Chìa khóa cho phát triển bền vững

- Do mức sinh ở nước ta có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%). Theo đó, gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Đặc biệt, khi gắn công tác gia đình với việc nâng cao chất lượng dân số, sẽ góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Tuyên Quang với Dược sĩ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế.

 Dược sĩ Nguyễn Thế Yên

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, thực trạng dân số ở Việt Nam cùng những biến đổi hiện nay?

Dược sĩ Nguyễn Thế Yên: Dân số Việt Nam hiện nay ước tính khoảng hơn 98 triệu người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,1 triệu người. Theo ước tính, đến năm 2024, dân số nước ta có khoảng 100 triệu người; đến năm 2050, có khoảng 115 triệu người và các chuyên gia hy vọng rằng dân số Việt Nam sẽ ổn định ở con số này.

Việt Nam là nước đông dân đứng thứ 13 trên thế giới, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Mật độ dân số nước ta là 254 người/km2, cao gấp 5 lần mật độ dân số các nước phát triển và cao gấp 2 lần mật độ dân số Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới. Dân số nước ta có quy mô lớn, mật độ dày, và đang tiếp tục tăng. Ước tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,1 triệu người; mức sinh giảm, mức chết thấp nhưng chưa ổn định. Cơ cấu dân số trẻ nhưng đang bước vào thời kỳ quá độ chuyển sang tình trạng dân số già - hiện số người 29 tuổi trở xuống chiếm 61,6% và số người 34 tuổi trở xuống chiếm 70% dân số cả nước. Cơ cấu giới tính trẻ sơ sinh có những biểu hiện mất cân đối nghiêm trọng - hiện 115 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn của thế giới là 106 bé trai/100 bé gái); sự mất cân đối này còn diễn ra rất khác nhau ở các vùng khác nhau. Chất lượng dân số Việt Nam, nhìn chung là thấp. Mặc dù dân số nước ta khá trẻ, tỷ lệ người biết chữ và tuổi thọ cao, nhưng tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ sơ sinh cao, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai thiếu, chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư lớn, chất lượng lực lượng lao động thấp, đời sống người già chưa được bảo đảm, chất lượng sống của người dân còn thấp và có sự chênh lệch giữa các vùng... Chỉ số phát triển con người của Việt Nam mới đứng thứ 109 trong số 177 nước được so sánh.

Phóng viên: Vậy có thể khái quát những thành quả đạt được trong công tác dân số ở tỉnh ta từ khi chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển như thế nào?

Dược sĩ Nguyễn Thế Yên: Có thể nói, từ khi chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ trên 4 lĩnh vực, gồm quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư, với nhiều kết quả khả quan. 

Quy mô dân số ổn định, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Dân số trung bình năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang đạt 805.782 người, tăng 4.114 người, tương đương tăng 0,51% so với năm 2021.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 8,0%0. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 2,32 con/phụ nữ giảm 0,02 con/phụ nữ so với năm 2022. Tỷ số giới tính của dân số là 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tuổi thọ trung bình là 72,18 năm, trong đó: nam là 69,55 năm và nữ là 74,97 năm.

Những thành quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ những năm qua, đã và đang góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, giảm sức ép do gia tăng dân số đối với các nhu cầu xã hội cơ bản, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

Phóng viên: Vì sao có thể khẳng định, chất lượng dân số là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững, thưa đồng chí?

Dược sĩ Nguyễn Thế Yên: Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Trong đó bao gồm trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe.

Có thể nói, chất lượng dân số quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cũng vì vậy mà chất lượng dân số là yếu tố tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Dân số là “mẫu số” của các chỉ tiêu phát triển được tính bình quân đầu người. Các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch (tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn...) đều phải tính đến các yếu tố dân số nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.

Đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Quý (Sơn Dương) hướng dẫn người dân chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. 

Phóng viên: Phải chăng vì những lý do đó mà “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”, thưa đồng chí?

Dược sĩ Nguyễn Thế Yên: Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, song vẫn còn những hạn chế. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung, những người trong độ tuổi lao động nói riêng, là yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng”.

Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới cũng nhấn mạnh mục tiêu: giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Còn đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á... Xuất phát từ những lý do trên, nên “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”.

Phóng viên: Chỉ số phát triển con người (HDI) được xem là một “thước đo” chất lượng dân số. Vậy xin đồng chí cho biết, chỉ số HDI đã và đang được Tuyên Quang quan tâm ra sao?

Dược sĩ Nguyễn Thế Yên: Chỉ số phát triển con người là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người).

Đối với tỉnh ta, việc nâng cao chỉ số HDI gắn với lĩnh vực y tế và dân số luôn được quan tâm. Bắt đầu từ trong bụng mẹ, tới lúc sơ sinh, qua giai đoạn tuổi vị thành niên/thanh niên và cho tới giai đoạn người cao tuổi. Kết quả, đến nay bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn sử dụng viên sắt chống thiếu máu đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đạt 90%. Năm 2023, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn dưới 6%o; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 20,8%. Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng. Đến nay đã có 60% số bà mẹ mang thai và 40% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh...

Cùng với đó, nhiều chương trình, đề án đã và đang được ngành Y tế triển khai, như chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia tại cộng đồng; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại cộng đồng; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thực hiện: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục